Trên thế giới có nhiều phương pháp dạy học tiến bộ hiệu quả đối với cả giáo viên và học sinh. Cùng tìm hiểu một số phương pháp dạy học tích cực đang được áp dụng tại Việt Nam.
Bản chất của phương pháp dạy học tích cực
Phương pháp dạy học tích cực lấy học sinh làm trung tâm. Giáo viên tìm cách gợi mở tư duy cho học sinh, cùng bàn luận tìm ra vấn đề. Từ đó, phát huy tối đa sự tìm tòi, sáng tạo, mọi khả năng mọi giác quan của học sinh.
Hiểu một cách đơn giản, phương pháp dạy học tích cực là giáo viên không truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách trực tiếp theo hình thức đọc chép. Giáo viên phải dùng các phương pháp khác nhau để dẫn dắt học sinh, tổ chức cho học sinh thực hiện tìm ra kiến thức. Cùng với đó, giáo viên hỗ trợ học sinh, đánh giá quá trình học tập, năng lực giải quyết vấn đề. Phương pháp này đòi hỏi người dạy phải có bản lĩnh, sự nhiệt huyết sáng tạo cũng như chuyên môn nghiệp vụ tốt.
Những nguyên tắc cơ bản của phương pháp dạy học tích cực
Phương pháp dạy học tích cực được thực hiện dựa trên những nguyên tắc sau.
Chú trọng phương pháp tự học
Nếu cách dạy học truyền thống là giáo viên giảng bài theo kiểu đọc-chép còn học sinh tiếp nhận kiến thức một cách thụ động thì phương pháp dạy học tích cực yêu cầu học sinh phải tự học nhiều hơn.
Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh căn cứ vào những gợi ý của thầy cô, tự thực hành và tìm ra kiến thức.
Tích cực cho học sinh hoạt động
Song song với chú trọng việc tự học thì phương pháp này cũng đòi hỏi học sinh phải hoạt động nhiều hơn. Bởi lẽ việc tự học chính là yêu cầu học sinh phải tư duy nhiều, hoạt động nhóm năng nổ hay cũng có thể là tích cực tham gia các hoạt động thể chất.
Giáo viên cũng thường xuyên yêu cầu học sinh lập nhóm, trở thành cá nhân tích cực trong nhóm chứ không hoạt động riêng rẽ, đơn lẻ.
Kết hợp đánh giá quá trình dạy và học của cả giáo viên và học sinh
Nếu phương pháp học tập cũ chỉ cho phép giáo viên đánh giá quá trình học tập của học sinh theo hướng một chiều, độc quyền thì phương pháp dạy học tích cực chính là sự đánh giá lẫn nhau của cả thầy và trò.
Học sinh có quyền bày tỏ ý kiến cá nhân, thậm chí là đánh giá góp ý về cách thức giảng dạy của thầy cô. Những ý kiến của học sinh dựa trên tinh thần xây dựng tích cực, vì một môi trường học tập hiệu quả hơn.
Một số phương pháp dạy học tích cực phổ biến ở Việt Nam hiện nay
Phương pháp hỏi – đáp
Hình thức hỏi đáp yêu cầu học sinh và giáo viên trao đổi trực tiếp với nhau. Qua việc đặt ra các câu hỏi, tranh luận, phản biện, giáo viên giúp học sinh giải quyết các vấn đề. Từ đó, những kiến thức, bài học được học sinh ghi nhớ nhanh hơn, lâu hơn.
Phương pháp “động não”
Phương pháp này cho phép học sinh phát triển tư duy, sức sáng tạo một cách tối đa. Hình thức được nhà nghiên cứu người Mỹ Alex Osborn phát triển từ một hoạt động truyền thống của người Ấn Độ.
Học sinh sẽ thỏa sức trình bày những ý tưởng, phát kiến của mình trong khuôn khổ cho phép của người hướng dẫn. Giáo viên liên hệ những ý tưởng và đưa ra nhận xét. Tuy nhiên, một nguyên tắc cần lưu ý là các thành viên phải tôn trọng mọi ý tưởng của nhau, không công kích, phê phán trong quá trình tìm ra ý tưởng.
Chính vì cho phép học sinh thỏa sức sáng tạo mà phương pháp này có thể tốn nhiều thời gian của tập thể vận hành. Nếu người hướng dẫn không kiểm soát tốt dễ dẫn tới sa đà, lạc đề.
Phương pháp “bể cá”
Để thực hành theo phương pháp này, một nhóm học sinh ngồi giữa lớp và tiến hành thảo luận nhóm; trong khi đó một nhóm học sinh khác ngồi xung quanh bên ngoài để theo dõi nhóm bên trong thảo luận.
Trong quá trình đó, học sinh ở nhóm quan sát có thể tham gia thảo luận cùng nhóm học sinh bên trong. Bởi lẽ, người ngoài cuộc đóng vai trò quan sát từ đầu bao giờ đưa ra những ý kiến khách quan hơn. Trong suốt quá trình thảo luận, người quan sát và người thảo luận chính có thể trao đổi ý kiến với nhau giống như những con cá trong một bể cá cảnh. Do đó, phương pháp này được gọi là “bể cá”.
Phương pháp đóng vai
Triển khai phương pháp này là người dạy cho phép người học đóng vai một nhân vật nào đó trong một tình huống giả định. Khi phải sắm vai một nhân vật khác, học sinh phải đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật. Các em sẽ học cách đặt mình vào vị trí của người khác, học cách cư xử hợp lý và suy nghĩ tìm ra cách giải quyết vấn đề.
Với mỗi vai diễn, giáo viên cùng cả lớn sẽ thảo luận về cách xử trí của diễn viên. Từ đó, tìm ra cách giải quyết tối ưu nhất cho nhân vật.
Phương pháp này đem đến bầu không khí thoải mái học mà chơi, chơi mà học, là một cách rèn luyện sự tự tin cho học sinh và rất được các em nhiệt liệt hưởng ứng.
Tại Việt Nam hiện, các trường học phổ thông đã và đang áp dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực. Các phương pháp này vẫn đang tiếp tục góp phần cải cách việc dạy và học, rèn luyện thế hệ học sinh mới năng động, thông minh và bản lĩnh.